TIỀM NĂNG DU LỊCH HUYỆN YÊN THẾ

|
Lượt xem:
Yên Thế là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có diện tích trên 303 km2. Huyện Yên Thế có 19 xã, thị trấn với 3 trung tâm kinh tế xã hội là thị trấn Phồn Xương, thị trấn Bố Hạ và Mỏ Trạng. Toàn huyện có khoảng 10 vạn dân với 08 dân tộc cùng nhau chung sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Mường, Dao, Cao lan, Hoa, Sán Dìu. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Cầu Gồ cách thành phố Bắc Giang 27 km và cách thủ đô Hà Nội 75 km. Trên địa bàn huyện có các trục đường chính gồm: Tuyến Quốc lộ 17 (từ Nhã Nam – Yên Thế - đi Tam Kha - Xuân Lương); tuyến đường tỉnh lộ 242 (từ thị trấn Bố Hạ - Đèo Cà đi Hữu Lũng – Lạng sơn); tuyến đường tỉnh lộ 292 (từ thị trấn Phồn Xương đi Bố Hạ - Kép; tuyến đường tỉnh lộ 294 (từ ngã ba Tân Sỏi – Yên Thế đi Nhã Nam huyện Tân Yên – Cầu Ca huyện Phú Bình); tuyến đường huyện 268 Mỏ Trạng – Bố Hạ đi Thiện Kỵ - Lạng Sơn. Các tuyến đường tỉnh lộ nối liền hệ thống đường trục xã tạo thành mạng lưới đường bộ phân bố hợp lý thuận lợi cho giao thông trong và ngoài huyện. Vị trí địa lý đã tạo cho huyện có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. 
Trên mảnh đất lịch sử này đã ghi đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa Yên Thế dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám - vị thủ lĩnh áo nâu - đã cùng nhân dân Yên Thế và các sĩ phu của nhiều vùng miền trên cả nước dựng cờ khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp ngót 30 năm (1884 - 1913). Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa oanh liệt nhất, bền bỉ nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo. Đó là niềm tự hào, là động lực để Đảng bộ và nhân dân Yên Thế hôm nay tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng để xây dựng quê hương.
Là một huyện vinh dự được đón nhận danh hiệu ''Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân'' do Nhà nước trao tặng. Nhân dân các dân tộc Yên Thế coi đây là phần thưởng cao quý, ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Thế đã dày công phấn đấu, xây dựng trong suốt chặng đường lịch sử của dân tộc. 
Lịch sử văn hoá về cuộc khởi nghĩa Yên Thế  đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử có giá trị to lớn được chính quyền và người dân nơi đây trân trọng, gìn giữ. Những điểm quốc gia đặt biệt khởi nghĩa Yên Thế là bằng chứng thuyết phục cho tinh thần quả cảm, bất chấp hy sinh của nghĩa quân Yên Thế nhằm giành lại độc lập, tự do. Hệ thống đồn Phồn Xương, Đền Thề, Đồn Hố Chuối, đồn Hom, chùa Lèo, đình Dĩnh Thép, chùa Thông, động Thiên Thai, đền Cầu Khoai là 9 điểm trong tổng số 23 điểm di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt ngày 10/5/2012. (Xem giới thiệu 9 điểm di tích Quốc gia đặc biệt của Yên Thế - tại đây)
Năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế, được phép của Bộ văn hoá thông tin, UBND tỉnh, tại Trung tâm Đại bản danh, Đồn Phồn Xương năm xưa vào ngày 15, 16, 17 tháng ba dương lịch, lễ hội Yên Thế được diễn ra hàng năm - đây là một trong hai lễ hội lịch sử lớn nhất của tỉnh Bắc Giang hiện nay (cùng với Lễ hội Xương Giang). Lễ hội Yên Thế với nhiều hoạt động văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc. Trong lễ  hội, có tổ chức  thi võ vật cổ truyền, cờ vua, cờ người, bắn nỏ, kéo co, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn… và biểu diễn võ sáo, võ cổ truyền dân tộc.v.v..  Các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, nấu cơm gánh, Hội diễn văn nghệ quần chúng, thi người đẹp mặc trang phục dân tộc đẹp và nhiều hoạt động văn hoá khác được nhân dân kế thừa, bảo tồn và phát triển.
Trên địa bàn huyện Yên Thế hiện có 120 di tích, trong đó: 43 di tích lịch sử được xếp hạng (9 di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, 07 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh). Hàng năm các di tích đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo và bảo vệ. Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám trung bình mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn đạt tiêu chuẩn cơ sở lưu trú du lịch và hệ thống nhà hàng có thể phục vụ hàng trăm lượt khách trong ngày ở TT Bố Hạ và TT Phồn Xương. Ngoài ra còn có một số công trình văn hoá dân gian thu hút khách thập phương đến viếng lễ, vãn cảnh như Đền Huyết Hồ (Nguyệt Hồ) xã Hương Vĩ (Xem chi tiết tại đây), Đền Suối Cấy xã Đồng Kỳ, Đền Trắng  xã Đông Sơn (Xem chi tiết tại đây).
Trong những năm qua, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng ở một số điểm du lịch đã từng bước được huyện Yên Thế quan tâm đầu tư xây dựng. UBND huyện đã tranh thủ thu hút đầu tư với số vốn trên 30 tỷ đồng để triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám. Đặc biệt, công tác xã hội hóa đã góp phần không nhỏ vào khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám như huy động nguồn vốn xã hội hóa trên 4 tỷ đồng thay thế chất liệu tượng Hoàng Hoa Thám từ bê tông cốt thép sang chất liệu bằng đồng. UBND huyện cũng đã xây dựng đề án bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc huyện Yên Thế. 
Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, với việc quy hoạch các điểm phát triển du lịch lịch sử, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Du khách đến với Yên Thế còn được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên của núi rừng Yên Thế. Tài nguyên du lịch rừng Yên Thế phong phú vẫn giữ được dáng vẻ oai nghiêm, hùng vĩ của đại ngàn với các thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng sơn thuỷ hữu tình sẽ làm bâng khuâng, lưu luyến ai đó mỗi lần về thăm. Đến nay tỷ lệ độ che phủ của rừng ở Yên Thế đạt 40% tổng diện tích đất tự nhiên, Yên Thế là huyện thực hiện tốt nhất chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và độ che phủ của rừng cao hơn nhiều so với mức bình quân của tỉnh và cả nước. 
Du khách có thể đến thăm những mô hình kinh doanh rừng kết hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ thu nhập trên 500 triệu đồng 1 năm từ nghề trồng rừng. Rừng và dịch vụ từ rừng đã trở thành một điều kiện sống không thể thiếu được với người dân Yên Thế. Tài nguyên rừng ở Yên Thế đã và đang được đầu tư bảo vệ cho phát triển kinh tế và du lịch sinh thái. Khu rừng đầu nguồn Thác Ngà xã Xuân Lương, đã thu hút nhiều du khách từ các vùng miền, các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… Về tham quan du lịch. Du khách có thể vừa ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ dưới tán cây rừng còn hoang sơ, được tắm mình dưới thác nước đổ và thưởng thức rượu mật ong trên nhà sàn giữa rừng. Để rồi cảm nhận mối giao hoà giữa con người và thiên nhiên hoà quyện vào nhau, để tâm hồn thư giãn sau những công việc thường ngày.
Cùng với khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám có tầm cỡ quốc gia, Yên Thế còn có các đặc sản nổi tiếng trong cả nước như vải, nhãn, trám, chè. Các lâm lộc, sản vật quí của núi rừng như nấm hương, mộc nhĩ, măng đắng, hạt dẻ, mật ong được lấy từ những cánh hoa rừng, các cây thuốc quý hiếm…Ngoài ra Yên Thế còn có đặc sản ẩm thực phong phú như bánh khảo, chè lam, bánh dầy, xôi vò, rượu nếp nương… Đây là lợi thế quan trọng mà không phải địa phương nào cũng có được để phát triển du lịch.
Tài nguyên du lịch của Yên Thế không những hấp dẫn vì tính đa dạng và thuận lợi về vị trí địa lý mà còn hấp dẫn bởi tính nguyên khai của thiên nhiên ban tặng thuở nào. Nhân dân Yên Thế có truyền thống mến khách, có nếp sống văn hoá mang đậm bản sắc của các dân tộc địa phương. Về Yên Thế, du khách thắp hương vãn cảnh khu di tích lịch sử Hoàng Hoàng Hoa Thám, sau đó có thể đi đến một số Đền, Chùa, rồi du khách ngược lên vùng cao, đi vào Thác Ngà tắm mát, hay đến với bản Ven – Xuân Lương, thăm và thưởng thức hương vị chè xanh của người Cao Lan được sản xuất theo quy trình khép kín kết hợp với những phương thức bí truyền từ bao đời nay, sản phẩm Chè Xanh Bản Ven đã được nhiều nơi biết đến. Du khách có thể nghỉ dưỡng để tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên và trải nghiệm cùng bà con dân tộc Cao Lan trong cuộc sống đời thường.
Cùng với thế mạnh từ rừng, phát huy tiềm năng kinh tế đất vườn đồi, huyện Yên Thế đã trở thành một huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất toàn quốc với tổng đàn trên 4,5 triệu con; trong đó đàn gà đạt trên 4,3 triệu con, giá trị sản xuất hàng năm đạt từ 1.300 tỷ đến 1.500 tỷ đồng. Yên Thế đã trở thành điểm sáng với thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” được trong và ngoài tỉnh và một số quốc gia trong khu vực tiêu dùng. Chăn nuôi gà đồi thực sự đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ dân. Giống gà địa phương được thả trong đồi vải với những chiếc "nhà sàn" nhỏ nhắn xinh xắn làm nơi trú ngụ. Thức ăn chủ yếu là ngô hạt, côn trùng nên thịt săn chắc, có vị ngọt đậm đà và mùi thơm đặc trưng của vùng rừng núi. Giống gà Yên Thế không chỉ có mẫu mã đẹp, mà điều quan trọng là chất lượng thịt gà có hương vị rất đặc trưng mà chỉ "Gà đồi Yên Thế" mới có. Du khách đến Yên Thế sẽ được thưởng thức hương vị của đặc sản “Gà đồi” và chắc chắn khi ra về sẽ còn lưu luyến.
Với tiềm năng thế mạnh điều kiện tự nhiên của vùng quê Yên Thế, cùng với lòng hiếu khách của người dân nơi đây, vùng quê Yên Thế đã và đang phát huy tiềm năng du lịch, mở rộng cửa đón du khách gần xa về thăm quan, nghỉ dưỡng…
Huyện Yên Thế đặt ra mục tiêu huy động và sử dụng lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực để từng bước đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện. Lấy du lịch văn hóa lịch sử làm nền tảng gắn với du lịch sinh thái làng nghề và du lịch tâm linh làm động lực. Huyện Yên Thế đã xác định tiềm năng và địa điểm các sản phẩm du lịch tiềm năng gồm 3 loại hình, đó là: Du lịch văn hóa lịch sử; Du lịch tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội; và Du lịch sinh thái- làng nghề, khu vui chơi, giải trí. Trong đó:
Du lịch văn hóa lịch sử: bao gồm
- Quần thể khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám bao gồm: Khu trung tâm (Đại bản doanh), Đồn Hố Chuối (Phồn Xương), Đình Dĩnh Thép (Tân Hiệp), Đồn Hom (Tam Hiệp), chùa Thông (Đồng Lạc), Chùa Lèo (Phồn Xương).
- Di tích Kỳ Đồng (xã Hồng Kỳ).
Du lịch tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội: gồm
- Đền Nguyệt Hồ (xã Hương Vĩ).
- Đền Cô (Đền Cầu Khoai - xã Tam Hiệp).
- Đền Trắng, Đền Thượng (xã Đông Sơn).
- Lễ hội Yên Thế, lễ hội Đền Cầu Khoai, lễ hội Đình Dĩnh Thép, lễ hội Đình Bố Hạ, Hương vĩ, Đông Sơn, lễ hội Chùa Lèo (TT Phồn Xương).
Du lịch sinh thái- làng nghề, khu vui chơi, giải trí: gồm
- Các điểm du lịch sinh thái: hồ Cầu Rễ, hồ Đá Ong (Tiến Thắng), hồ Suối Cấy (Đồng Kỳ), hồ Ngạc Hai (Xuân Lương), hồ Quỳnh (Canh Nậu, Tam Tiến), đập dâng Sông Sỏi (Tam Hiệp), thác Ngà (Xuân Lương).
- Các làng nghề: Chế biến chè (Xuân Lương), nuôi ong lấy mật (Hồng Kỳ), chế biến chè lam, bánh khảo (Tam Tiến).
- Các điểm vui chơi, giải trí: TT Phồn Xương, khu Trung tâm di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (mở rộng), khu vui chơi giải trí Bố Hạ.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, lực lượng vũ trang nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Qua bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất Yên Thế hôm nay đang trên đà phát triển với nhiều dự án, mô hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội dựa trên việc phát huy những tiềm năng và thế mạnh của chính địa phương. Là địa phương có địa hình đa dạng, lắm sông nhiều suối, Yên Thế có nhiều tiềm năng về du lịch, khoáng sản và phát triển nông lâm nghiệp. Với tổng diện tích đất tự nhiên trên 30.000ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm khoảng 48%, Yên Thế có thế mạnh rất lớn trong việc phát triển nghề trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gà thả đồi, có sản phẩm chè, mật ong, chè lam, bánh khảo…. Nơi đây có con sông Thương, sông Sỏi cùng nhiều hồ lớn và suối nhỏ, cùng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Thế, đặc biệt là 9 điểm nằm trong "Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế" được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt .... là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và văn hóa. Trong công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng đời sống mới, vùng đất Yên Thế sẽ không ngừng vươn lên làm bừng sáng vùng núi phía Tây Bắc tỉnh Bắc Giang./.
Như Hoa