TỔNG QUAN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN YÊN THẾ

|
Lượt xem:
Yên Thế huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có diện tích trên 303 km2. Huyện Yên Thế có 19 xã, thị trấn với 3 trung tâm kinh tế xã hội là TT Phồn Xương, thị trấn Bố Hạ và trung tâm cụm xã vùng cao Mỏ Trạng (đạt tiêu chuẩn đô thị loại V). Toàn huyện có gần 10 vạn dân với 08 dân tộc anh em cùng nhau chung sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Mường, Dao, Cao lan, Hoa, Sán Dìu. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Cầu Gồ cách thành phố Bắc Giang 27 km và cách thủ đô Hà Nội 75 km. Trên địa bàn huyện có các trục đường chính gồm: Tuyến Quốc lộ 17 (từ Nhã Nam – Yên Thế - đi Tam Kha - Xuân Lương); tuyến đường tỉnh lộ 242 (từ thị trấn Bố Hạ - Đèo Cà đi Hữu Lũng – Lạng sơn); tuyến đường tỉnh lộ 292 (từ thị trấn Phồn Xương đi Bố Hạ - Kép); tuyến đường tỉnh lộ 294 (từ ngã ba Tân Sỏi – Yên Thế đi Nhã Nam huyện Tân Yên – Cầu Ca huyện Phú Bình); tuyến đường 268 Mỏ Trạng – Bố Hạ đi Thiện Kỵ - Lạng Sơn. Các tuyến đường tỉnh lộ nối liền hệ thống đường trục xã tạo thành mạng lưới đường bộ phân bố hợp lý thuận lợi cho giao thông trong và ngoài huyện. 
Trong những năm qua kinh tế - xã hội của huyện phát triển khá toàn diện, có nhiều khởi sắc:
+ Về nông- lâm nghiệp thuỷ sản, xây dựng Nông thôn mới
  Sản xuất nông, lâm nghiệp có bước phát triển nhanh và tương đối toàn diện; an ninh lương thực được đảm bảo, nhiều loại cây, con hàng hóa địa phương có thế mạnh được khai thác hiệu quả như: rừng kinh tế, chè, cây ăn quả, gà đồi… Tốc độ tăng trưởng chung của ngành đạt 8,5%/năm; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt trên 65%, và từng bước trở thành ngành sản xuất chính; giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác ước đạt 55 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị chăn nuôi đạt 16,8%/năm; năm 2015, giá trị ngành chăn nuôi ước thực hiện 1.581 tỷ đồng, tăng 610 tỷ đồng so với năm 2010. Trong đó, đàn gia cầm 4.500.000 con, giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng. Yên Thế trở thành huyện có quy mô tổng đàn gia cầm lớn nhất toàn quốc, bình quân duy trì 4 triệu đến 4,2 triệu con, giá trị sản xuất đạt trên 1000 tỷ đồng.
Từ năm 2012 - 2015 sản phẩm gà đồi đã được bình chọn và nhận các giải thưởng như: “Sản phẩm tin cậy - dịch vụ hoàn hảo - nhãn hiệu ưa dùng” , “Sản phẩm tin cậy” cho sản phẩm “Gà đồi Yên Thế”, danh hiệu “Thương hiệu tin dùng Thủ đô”, Cúp chứng nhận “Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á-ASEAN BESTFOOD/BESTFOOD PRODUCT”, danh hiệu “Thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng”, vinh danh Top 100, tốp 50, tốp 10 “Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng do Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế, Tạp trí Sở hữu trí tuệ, sáng tạo phối hợp với Bộ KH&CN Việt Nam trao tặng giúp thương hiệu Gà đồi Yên Thế ngày càng phát triển. 
Diện tích rừng trồng mới tập trung toàn huyện 5.218 ha và gần 1,6 triệu cây phân tán, nâng độ che phủ rừng lên 40%, đạt 100% chỉ tiêu. Mỗi năm khai thác 41.400 m3 gỗ và trên 15.700 ste củi, cho thu nhập trên 143 tỷ đồng. Kinh tế trang trại, gia trại tiếp tục phát triển mạnh, đến nay toàn huyện có 1.400 trang trại, gia trại (21 trang trại theo tiêu chí mới); trong đó, có nhiều mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm..
Toàn huyện 19/19 xã hoàn thành công tác quy hoạch, phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 04 năm thực hiện chương trình, đến nay đã có 01 xã điểm về đích xây dựng nông thôn mới (An Thượng), các xã còn lại mỗi xã đều đạt 12,45/19 tiêu chí xã nông thôn mới; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể.  
+ Sản xuất Công nghiệp - Xây dựng
Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,4%/năm. Đến nay, đã xây dựng, bổ sung xong quy hoạch 04 cụm công nghiệp và 03 điểm công nghiệp với tổng diện tích trên 100ha; đã có 06 dự án được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động, bao gồm 03 nhà máy may xuất khẩu, 01 nhà máy chế biến chè xanh, chè đen xuất khẩu, 02 cơ sở chế biến gia cầm, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động. Bên cạnh đó, các ngành nghề nông thôn như: sản xuất gạch, vôi hòn, cay vôi, mộc dân dụng, tre đan, khai thác cát sỏi, chế biến lâm sản... tiếp tục phát triển thu hút khoảng 4.000 hộ tham gia, góp phần giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động. 
+ Hoạt động dịch vụ
Tốc độ tăng trưởng bình quân huyện đạt 28,23 %/năm. Dịch vụ vận tải, viễn thông phát triển nhanh, khối lượng luân chuyển hành khách, hàng hóa trên 15 %/năm; số thuê bao điện thoại đạt 91,5 máy/100 dân. Mạng lưới chợ, nhất là chợ nông thôn được củng cố và phát triển mạnh góp phần to lớn trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ nông sản cho nông dân, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu các loại sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: Gà đồi Yên Thế, Chè xanh Bản Ven...
+ Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế
Công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích đầu tư được quan tâm. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 61 dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận đầu tư (tỉnh 30, huyện 31 dự án) với tổng số vốn đăng ký 842 tỷ đồng; có 59 dự án được triển khai thực hiện với tổng số tiền 659 tỷ đồng.  Toàn huyện hiện có 127 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 133 tỷ đồng; thành lập mới được 08 HTX (hợp tác xã), nâng tổng số HTX trên địa bàn là 23, với tổng số vốn đăng ký trên 34 tỷ đồng. 
+ Huy động vốn đầu tư  xây dựng phát triển kinh tế - xã hội
Yên Thế đã thực hiện nhiều cơ chế thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của ngân sách cấp trên và lồng ghép các nguồn vốn khác để xây dựng, nâng cấp kết cấu kinh tế - xã hội. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện thực hiện 3.194 tỷ đồng, đạt 118,15% kế hoạch. Kết quả trên các ngành, lĩnh vực, cụ thể như sau:
- Về giao thông: Đã đầu tư nâng cấp 17 km đường tỉnh lộ 292 đoạn Cầu Gồ - Tam Kha (nay là Quốc lộ 17); xây mới cầu Quỳnh - xã Xuân Lương và cầu Bến Trăm - xã Đông Sơn. Đến nay, 100% tuyến đường tỉnh được nhựa hoá theo tiêu chuẩn đường cấp 4; đầu tư cải tạo, nâng cấp 11 công trình đường huyện, đường liên xã với tổng chiều dài trên 35 km theo tiêu chuẩn đường cấp 5, cấp 6; đầu tư cứng hoá 75,6 km đường trục xã, đường liên thôn, bản. Đến nay, 21/21 xã, thị trấn có đường nhựa hoặc đường bê tông qua trung tâm xã, ô tô các loại đã đến được các thôn, bản trong toàn huyện.
- Về thuỷ lợi:. Toàn huyện có 05 hồ đập lớn, 14 công trình hồ, đập nhỏ; hệ thống kè chống sạt lở kết hợp đê ngăn lũ 04 xã vùng sông Thương, sông Sỏi. Hệ thống kênh mương kiên cố hóa 27 km, đảm bảo tưới, tiêu chủ động cho khoảng 90% diện tích đất canh tác lúa.
- Về điện lực: Yên Thế đã hoàn chỉnh quy hoạch phát triển điện lực huyện giai đoạn 2009 - 2015. Bàn giao đưa vào sử dụng các công trình thuộc dự án năng lượng nông thôn II ở 05 xã; phối hợp đầu tư để xây dựng mới 24 trạm biến áp và một số tuyến đường dây hạ áp tại 11 xã, thị trấn, nâng tổng số trạm biến áp toàn huyện lên 194 trạm với công suất 35.325 KVA. Đến nay, 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia.
- Về hạ tầng đô thị: Yên Thế có nhiều hạng mục công trình như: Hạ tầng kỹ thuật khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám; khu dân cư thị trấn Cầu Gồ, Bố Hạ, điểm dân cư Tân Sỏi; hệ thống đèn tín hiệu giao thông khu vực ngã tư thị trấn Cầu Gồ, Bố Hạ; hệ thống đèn chiếu sáng xã Phồn Xương, ngã tư Tân Sỏi, Mỏ Trạng và thị trấn Bố Hạ.
- Về cơ sở vật chất trường học, y tế, văn hoá và các hạng mục công trình khác được củng cố và phát triển: Toàn huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng 253 phòng học kiên cố, 49 phòng công vụ giáo viên; xây mới 01 trường học và 99 hạng mục công trình phụ trợ. Đã đầu tư  xây mới trụ sở Trung tâm Y tế huyện; nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Đa khoa huyện và 15 trạm y tế xã, thị trấn. Hạ tầng văn hoá, thông tin, truyền thông phát triển mạnh: hiện toàn huyện có 117 trạm BTS. Nhiều tuyến cáp quang được xây dựng; Đài TT-TH huyện được đầu tư, nâng cấp; đầu tư cải tạo, nâng cấp sân vận động huyện; xây mới 20 nhà văn hoá thôn, bản, phố. 
Với  lợi thế về điều kiện tự nhiên  và sự quyết tâm của toàn đảng, toàn dân huyện Yên Thế trong những năm qua và thời gian tới. Mục tiêu phát triển kinh tế của huyện Yên Thế  luôn được coi trọng và là một trong trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa huyện Yên Thế ngày càng phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
 
Văn phòng