Cựu chiến binh Cao Việt Đức và hành trình đi tìm một liệt sỹ

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Từ năm 2000 đến nay, cựu chiến binh Cao Việt Đức ở thôn Trại Đảng, xã Đồng Kỳ đã mày mò nghiên cứu giải mã các phiên hiệu, ký hiệu trong giấy báo tử rồi lặn lội vào những cánh rừng nơi chiến trường năm xưa và chiến trường nước bạn Campuchia để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ chôn cất tại những cánh rừng hoang vắng; xác định danh tính, cùng các cấp chính quyền và thân nhân gia đình đưa hàng nghìn liệt sĩ ở các nghĩa trang trở về quê hương.

Sinh năm 1954, nhập ngũ năm 1973, sau hơn 10 năm trong quân ngũ, ông phục viên trở về quê hương. Cuộc sống gia đình ngày ấy còn khó khăn lắm, ông lao vào làm kinh tế, nhờ năng động, cần cù mỗi năm từ vườn đồi rồi chăn nuôi cũng cho thu hàng trăm triệu đồng. 

Cuộc sống ổn định, thế nhưng hình ảnh chiến trường khốc liệt năm xưa với những đồng đội đã nằm xuống  ám ảnh, thôi thúc ông trở lại. Năm 2000, cầm 10 triệu đồng ông đi tầu vào Thành phố Hồ Chí Minh rồi đi xe ca tới Tây Ninh đến chiến trường năm xưa, nơi ông khi ấy là đại đội phó đã cùng đồng đội tổ chức chôn cất 17 chiến sĩ đã hy sinh, vào đến nơi thì ông biết đồng đội ông năm xưa đã được đưa vào nghĩa trang Châu Thành. Tại đây mới có mộ 12/17 liệt sĩ được quy tập, còn 5 người với ngôi mộ chung chưa xác định được danh tính. 

Cựu chiến binh Cao Việt Đức cùng với đồng đội tìm kiếm mộ liệt sỹ Dương Xuân Hỷ tại Núi Trà Tùng, Sơn Lập, Sơn Tây, Quảng Ngãi

Xót xa trước những liệt sĩ mấy chục năm chưa được về quê hương. Đồng cảm với nỗi đợi chờ, mong ngóng của người thân họ, ông đã ở lại nghĩa trang Châu Thành hàng tuần, đi tới từng ngôi mộ tỉ mỉ ghi chép tên tuổi, quê quán của liệt sĩ khắp mọi miền Tổ quốc sau đó trở về ông đã lần lượt gửi thư bảo đảm tới từng gia đình liệt sĩ thông báo và hướng dẫn họ cách quy tập mộ liệt sĩ trở về quê hương.

Cùng với Đội quy tập Mộ LS tại Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu
Bản đồ quy tập để tiến hành lấy mẫu tổng thể 1160 mộ LS tại NTLS A Lưới - tỉnh Thừa Thiên Huế

Câu chuyện giữa chúng tôi và ông thi thoảng lại gián đoạn bởi những cuộc điện thoại khắp nơi gọi đến liên lạc để trao đổi thông tin về việc tìm mộ liệt sĩ. Cách tìm mộ của ông là căn cứ vào giấy báo tử của liệt sĩ, ông giải mã các phiên hiệu, mã hiệu được ghi trên giấy báo tử. Từ mã hiệu ông gửi hồ sơ về đơn vị đó đề nghị đơn vị cung cấp thông tin nơi liệt sĩ hy sinh, hy sinh trong trường hợp nào, nơi an táng ban đầu cùng sơ đồ mộ chí, những tài liệu có liên quan sau đó gửi cho đội quy tập liệt sĩ khu vực đó để xác định hài cốt đã được quy tập chưa, về đâu, nếu đủ danh tính thì xác nhận, nếu chưa đủ thì đề nghị giám định ADN để trả tên cho liệt sĩ.

Cách thứ hai, ông phối hớp với Cục người có công - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải mã các đơn vị tham gia chiến đấu hy sinh để quy tập về nghĩa trang trong cả nước. Khi đủ căn cứ hồ sơ ông trình lại Cục người có công - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tiến hành lấy mẫu ADN tổng thể ở nghĩa trang đó,  xác định danh tính, tìm lại tên tuổi, quê quán các liệt sĩ chưa có danh tính. Hơn 20 năm qua ông đã phối hợp làm được ở 5 nghĩa trang lớn đó là nghĩa trang Việt - Lào, nghĩa trang An Lưới, Phong Điền, Hương Thủy, Lộc Hà tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ôm hài cốt đồng đội đưa về quê mẹ

Mỗi lần tìm được một ngôi mộ liệt sĩ trả lại đúng danh tính cho họ ông thấy lòng mình thật thanh thản! Điển hình như trường hợp liệt sĩ Dương Xuân Hỷ quê ở Thiệu Dương, Thiệu Hóa (Thanh Hóa): Giấy báo tử ghi đã hy sinh tại bến sông Lò So - Sơn Lập - Sơn Tây - Quảng Ngãi. Gia đình đã đi tìm 10 năm nay kể cả bằng con đường tâm linh cho kết quả 3 ngôi mộ ở 3 tỉnh khác nhau. Gia đình cũng rất hoang mang. Căn cứ vào giấy báo tử, ông đã cùng gia đình trở lại nơi chôn cất liệt sĩ, gặp lại những người đã chôn cất liệt sĩ từ năm 1973, mọi người kể lại liệt sĩ được gói trong manh áo mưa chôn dưới một gốc cây to, đầu mộ có chôn một hòn đá lớn. Mấy ngày ròng rã kiếm tìm, ông cùng đội quy tập đã tìm được ra đúng ngôi mộ liệt sĩ Dương Xuân Hỷ.

CCB Cao Việt Đức trao hai cốt LS Nguyễn Duy Đỉnh cho Mẹ LS tại xã Đông Sơn

Mới đây nhất ông đã tìm được mộ liệt sĩ Vũ Xuân Thịnh người bạn cùng tuổi, cùng nhập ngũ một ngày, cùng lính đặc công Sư đoàn 316 đã hy sinh ngày 20/4/1975 tại cửa ngõ Sài Gòn quê ở xã Hồng Kỳ; mộ được an táng tại nghĩa trang Củ Chi - Thành phố Hồ Chí Minh. 45 năm trôi qua, tháng 4/2020, liệt sĩ đã được người thân đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế. Hơn 20 năm qua, trên địa bàn Yên Thế ông đã đưa hàng trăm liệt sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc được trở về an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Trao hài cốt LS Nguyễn Duy Hiểu - là một trong 2 LS của Mẹ VNAH Trịnh Thị Tít ở xã Đồng Lạc

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông chỉ đau đáu một điều mong cho mau chóng hết dịch Covid-19 để được tới 3 nghĩa trang là Tông Khao (Điện Biên) hai nghĩa trang cấp xã là Triệu Phong và Hải Chánh (Quảng Trị) đón 07 liệt sĩ về quê hương, trong đó có 03 liệt sĩ ở xã Hồng Kỳ (Yên Thế); phối hợp với Sở Lao động - TB&XH tỉnh Quảng Nam và Cục người có công - Bộ Lao động - TB&XH lấy mẫu AND tổng thể 499 mộ liệt sĩ tại nghĩa trang xã Bình Trị - huyện Thăng Bình (Quảng Nam),…

Trao hài cốt LS Hoàng Văn Ái, xã Tam Hiệp

Lặng lẽ hơn hai mươi năm chấp nhận mọi hy sinh không đòi hỏi một chút đãi ngộ, Cựu chiến binh Cao Việt Đức đã tìm được gần 1.671 mộ liệt sĩ mang tới bao niềm vui cho những gia đình liệt sỹ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen cho CCB Cao Việt Đức

Với những đóng góp của mình, ông được Cựu chiến binh huyện Yên Thế tặng giấy khen có thành tích trong công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ; được BCH Cựu CCB tỉnh tặng 02 bằng khen về công tác Nghĩa tình đồng đội, đặc biệt  năm 2020 ông được Thủ tướng Chính phủ tặng tặng Bằng khen đã có thành tích trong lĩnh vực tích cực hoạt động những công việc thầm lặng vì cộng đồng./.

                                                                                    Vũ Hoàng Nam