Lễ hội Kỳ Đồng năm 2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Sáng 02/4 (tức 24/2 âm lịch), xã Hồng Kỳ đã long trọng tổ chức lễ khai mạc Lễ hội Kỳ Đồng (Nguyễn Văn Cẩm) và khánh thành công trình: Tu bổ, tôn tạo di tích Động Thiên Thai. Tới dự có đồng chí Đào Duy Trọng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, PBT Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Tuyền, Ủy viên BTV Huyện ủy, PCT Thường trực UBND huyện; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; lãnh đạo các xã lân cận; cùng đông đảo cán bộ, nhân dân và du khách thập phương. 

Các đồng chí Lãnh đạo huyện và xã Hồng Kỳ cắt băng khánh thành công trình: Tu bổ, tôn tạo di tích Động Thiên Thai

Trước khi khai mạc Lễ hội, các đại biểu đã cắt băng khánh thành công trình: Tu bổ, tôn tạo di tích Động Thiên Thai.

Kỳ Đồng tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, sinh năm 1875, mất năm 1929. Ông được các nhà nghiên cứu sử học thừa nhận là bậc hiền tài, có nhân cách cao đẹp với tư tưởng độc lập dân tộc. Ông đã được chọn là một trong 14 nhân vật lịch sử, được sử sách ca ngợi là thần đồng nổi tiếng đất Việt. Ông xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo, hiếu học, quê ở làng Ngọc Đình - tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình (nay là xã Văn Cẩm - huyện Hưng Hà - tỉnh Thái Bình). 

Đánh trống khai Hội Kỳ Đồng năm 2024

Sau 10 năm 1886 - 1896 du học tại Angeri thuộc Pháp, được tiếp xúc với nền văn minh dân chủ Pháp, với các nhân sỹ tiến bộ ở đó và đặc biệt là các cuộc đàm luận với ông vua yêu nước Hàm Nghi đang sinh sống lưu đầy tại Angeri. Ông đã âm thầm chuẩn bị và vạch ra con đường hoạt động đúng đắn cho mình khi về nước. Chỉ sau vài năm về nước, năm 1896 - 1897 từ Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Nguyễn Văn Cẩm đã khéo léo chuẩn bị lực lượng, chiêu tập những người yêu nước cùng chí hướng cùng ông quy tập về chợ Kỳ - một địa danh sát kề với Yên Thế - nơi thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám đang hoạt động. 

Ông cho lập đồn điền xây dựng nên các ấp, khai khẩn đất đai, tích lũy lương thảo, chiêu mộ binh sỹ nhằm liên kết với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám khởi binh khi có thời cơ. Việc ông xuất hiện ở đây, với đồn điền chợ Kỳ, đã góp phần củng cố lực lượng của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám; động viên ý chí chống Pháp của nhân dân các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Kỳ. Cuộc khởi nghĩa của ông đã nổi danh bởi tên gọi thứ nhất Ông Kỳ - thứ nhì Ông Thám.

Các đoàn đại biểu dâng hương tại Lễ hội Kỳ Đồng năm 2024

Với ý nghĩa to lớn đó, bằng những địa danh tên đất, tên làng và một số di tích còn để lại đến ngày nay, năm 1995, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định về việc công nhận và bảo tồn di tích lịch sử Động Thiên Thai thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm. Ngày 10/5/2012, Động Thiên Thai vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt thuộc những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế. 

Để tưởng nhớ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm và những người đã có công giữ gìn non sông đất nước, cứ vào ngày 23 và 24/2 âm lịch hàng năm, nhân dân các dân tộc trong xã lại tập trung mở hội, thắp nén hương thơm để tỏ lòng thành kính.

Thắp hương tại Động Thiên Thai 

Sau lễ khai mạc, đã diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao như: giải bóng chuyền, cắm trại, hát Soong hao,..., thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội./.

Quang Huy