Tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Ngày 15/5/2024, Chủ tịch UBND huyện đã ký ban hành Công văn số 1159/UBND-LĐTBXH về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo đó, trong thời gian qua, các cấp, các ngành từ huyện đến cấp xã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác trẻ em; do đó từ đầu năm 2024 đến nay không có trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước xảy ra trên địa bàn huyện; tuy nhiên trên thực tế vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao, khó lường. 

Trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn cho trẻ em, ngăn ngừa tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước; Chủ tịch UBND huyện đề nghị Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện; các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn nghiêm túc chỉ đạo thực hiện đúng và thường xuyên, liên tục các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, của ngành dọc cấp trên, của huyện có liên quan đến công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em. 

Đặc biệt tiếp tục quán triệt, chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được phân công tại các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đối với công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 06/7/2020 về chấn chỉnh và tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn huyện Yên Thế; Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 28/9/2021 của UBND huyện về việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn huyện Yên Thế; Công văn số 318/UBND-LĐTB&XH ngày 07/02/2024 của Chủ tịch UBND huyện về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em; triển khai thực hiện xây dựng “Cộng đồng an toàn”, “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; xã, thị trấn phù hợp với trẻ em tại địa phương,... 

Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em đến thôn, bản, tổ dân phố, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, hộ gia đình và trẻ em để đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn. Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, giám sát chặt chẽ con, em mình; chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 

Chủ tịch UBND huyện đề nghị Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên, Hội Bảo vệ quyền trẻ em huyện tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; quản lý trẻ em trong thời gian không đến trường, dịp nghỉ hè, thời gian thường xảy ra bão, lũ, thiên tai; chủ động có biện pháp phòng ngừa đối với các điểm có nguy cơ cao gây tai nạn đuối nước trẻ em trong các hộ gia đình hội viên, đoàn viên và người dân (ao, hồ, hố nước, chum vại chứa nước,…) để đảm bảo an toàn cho trẻ em. Tổ chức vận động các hộ gia đình ký cam kết trách nhiệm xây dựng “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Giám sát, phát hiện các điểm công cộng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước để đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp cảnh báo kịp thời; tích cực triển khai phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Huyện đoàn thanh niên tăng cường tuyên truyền thông qua các hoạt động tập trung, diễn đàn, tập huấn,... nhằm nâng cao kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em, kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Lồng ghép hoạt động phòng chống đuối nước vào các hoạt động đoàn đội; chỉ đạo đoàn thanh niên các xã, thị trấn tích cực tổ chức các hoạt động hè phong phú, an toàn, bổ ích trong đó chú trọng các hoạt động rèn luyện kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trong tháng 6, 7, 8 năm 2024 bằng hình thức phù hợp; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Đoàn thanh niên các xã, thị trấn tổ chức phối hợp với các nhà trường duy trì tổ chức Chương trình tập huấn kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng bơi cứu và tự cứu đuối nước cho học sinh trên địa bàn.

Phòng Lao động - TB&XH huyện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các xã, thị trấn kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã và đội ngũ cộng tác viên bảo vệ trẻ em thôn, bản, tổ dân phố; tham mưu tổ chức kiểm tra, đánh giá việc triển khai công tác trẻ em tại các xã, thị trấn; đặc biệt là công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật trẻ em và các văn bản có liên quan; tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng cho trẻ em về phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em nhằm trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em. Kịp thời nắm bắt thông tin về các trường hợp trẻ em đuối nước trên địa bàn huyện; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, UBND các xã, thị trấn làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan (nếu có); tham mưu biện pháp trợ giúp; tổng hợp báo cáo theo quy định. 

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường học trên địa bàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền; phối hợp với gia đình tổ chức phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối đến từng lớp học, từng học sinh bằng nhiều hình thức; phối hợp với Đoàn thanh niên các xã, thị trấn tiếp tục triển khai các mô hình dạy bơi trong các trường tiểu học, THCS, tiểu học và THCS, Phổ thông Dân tộc nội trú. Chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt mô hình "Trường học an toàn", "Mùa hè an toàn", "Nhà trẻ mẫu giáo an toàn" phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.  Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã kiểm tra, phát hiện các địa điểm có nguy cơ cao gây tai nạn đuối nước trẻ em để tổ chức cảnh báo kịp thời; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong việc quản lý trẻ em trong thời gian nghỉ hè. Cùng với đó, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan của xã tổ chức các hoạt động hè cho học sinh nhằm tạo môi trường gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giám sát, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục cho học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để đảm bảo an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước; nâng cao năng lực, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn, điều trị đối với trẻ em tai nạn thương tích. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu khi có trường hợp đuối nước xảy ra, đặc biệt tại các cơ sở y tế tuyến xã. 

Phòng Văn hóa - Thông tin tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc chấp hành các quy định an toàn tại các bể bơi; không cấp phép hoạt động đối với những bể bơi không đủ điều kiện đảm bảo an toàn bơi, không có người giám sát an toàn. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy 3 bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở thể dục, thể thao.

Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người dân thấy được tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, cảnh báo về tình hình tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em để người dân thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình, đặc biệt trong dịp nghỉ hè; xây dựng các chuyên mục, tin, bài, phóng sự, các thông điệp truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em,... Ưu tiên thời lượng phát thanh các nội dung về phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em trên hệ thống phát thanh huyện ít nhất 2 lần/tuần.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát lại hệ thống hồ, đập thủy lợi trên địa bàn huyện; tăng cường chỉ đạo, giám sát tổ chức, cá nhân đang sở hữu các ao, hồ, đập, ... yêu cầu tiến hành làm rào chắn an toàn, lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm; áp dụng các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho người dân nói chung và trẻ em nói riêng.

Phòng Tài nguyên - Môi trường tổ chức rà soát, kiểm tra các mỏ đất, cát, khoáng sản,... khai thác xong nhưng không hoàn trả lại mặt bằng tạo các ao, hồ, hố sâu nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em để có biện pháp đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn đuối nước.

Công an huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường truyền thông, phòng ngừa tai nạn đuối nước trẻ em. Chỉ đạo Công an các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy; phối hợp quản lý các bến đò ngang, bến đò tự phát, phương tiện thủy nội địa trên địa bàn (nếu có); chủ động tham mưu chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại trng các vụ tai nạn đuối nước, đặc biệt trong mùa mưa bão.

UBND các xã, thị trấn kịp thời kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Bảo vệ trẻ em xã, thị trấn và đội ngũ cộng tác viên thôn, bản, tổ dân phố; phân công nhiệm vụ cụ thể và địa bàn phụ trách cho từng thành viên, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ gắn với công tác thi đua khen thưởng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức chiến dịch truyền thông sâu rộng về phòng, chống đuối nước trẻ em trong tháng 6, 7, 8 năm 2024 tại xã, thị trấn trên bằng các hình thức phù hợp: Tuyên truyền trực quan (pano, áp phích, băng rôn vượt đường,...), tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng... Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em; đặc biệt tập trung nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các gia đình có trẻ em thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em; gia cố lại các địa điểm có nguy cơ cao gây tai nạn thương tích trẻ em tại gia đình; phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý trẻ em; chủ động trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình (học bơi, kỹ năng cứu đuối an toàn, ...). Thường xuyên rà soát, lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước như bãi tắm, sông, hồ, suối, kênh, mương, ao, giếng, hố sâu, khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước, khu vực các công trình xây dựng có hố nước, hố sâu... triển khai các biện pháp phòng ngừa khắc phục như làm rào chắn, biển cảnh báo, biến cấm... một cách nghiêm túc, hiệu quả, không qua loa, hình thức. Tiếp tục triển khai lắp đặt, thay thế những biển cảnh báo nguy hiểm đã hư hỏng ở 100% các điểm có nguy cơ cao gây tai nạn đuối nước do xã, thôn, bản, tổ dân phố quản lý trên địa bàn.  Bố trí ngân sách đảm bảo thực hiện các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn; vận động, xã hội hóa xây dựng, lắp đặt bể bơi tại các trường học để triển khai việc dạy bơi cho trẻ em. Giao trách nhiệm cho trưởng các thôn, bản, phố huy động nhân lực, vật lực sửa chữa, dọn dẹp các nhà văn hóa, sân thể thao, ... mở cửa thường xuyên cho trẻ em vui chơi lành mạnh, sinh hoạt hè an toàn, bổ ích; hạn chế tai nạn thương tích, đuối nước trong dịp nghỉ hè. Kịp thời nắm bắt thông tin vụ việc có liên quan đến tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; xâm hại, bạo lực trẻ em trên địa bàn; kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan; có biện pháp khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo về UBND huyện (qua Phòng Lao động - TB&XH huyện) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời theo quy định. 

Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra vụ việc tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em nghiêm trọng do nguyên nhân thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Chi tiết Công văn xem tại đây./.

Phòng Lao động - TB&XH huyện