Quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Ngày 16/5/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 28/2024/TT-BTC quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá. Đối tượng áp dụng bao gồm: Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh; cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá được quy định trình tự, thủ tục bao gồm: Xây dựng, phê duyệt và ban hành kiểm tra; Quyết định kiểm tra; Điều chỉnh kế hoạch kiểm tra; Tiến hành kiểm tra; Báo cáo kết quả kiểm tra; Xử lý các kiến nghị kiểm tra; Lưu trữ hồ sơ.

Theo Điều 2 Thông tư 28/2024/TT-BTC quy định về trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá như sau: Cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá có trách nhiệm xây dựng và trình Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, ban hành kế hoạch kiểm tra. Chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 hằng năm, trên cơ sở đề xuất của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành kế hoạch kiểm tra. Kế hoạch kiểm tra đảm bảo nguyên tắc tại khoản 2 Điều 68 Luật Giá. Quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư. Ngay sau khi kế hoạch kiểm tra được Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến từng đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra.

Chậm nhất 05 ngày trước khi công bố Quyết định kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm tổ chức xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra và báo cáo cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm tra thông báo bằng văn bản kế hoạch tiến hành kiểm tra kèm theo Quyết định kiểm tra đối tượng kiểm tra. Thông báo phải bao gồm các nội dung cơ bản như: Thời gian, địa điểm công bố Quyết định kiểm tra; Thành phần dự họp; Nội dung báo cáo và danh mục các báo cáo, hồ sơ, tài liệu phục vụ kiểm tra; Các nội dung khác (nếu có).

Trong quá trình kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra lập dự thảo Biên bản kiểm tra trên cơ sở báo cáo của thành viên đoàn kiểm tra. Biên bản kiểm tra gồm các nội dung về đặc điểm, tình hình chung của đối tượng kiểm tra, nội dung kiểm tra, các kết luận, kiến nghị, yêu cầu của đoàn kiểm tra và thực hiện theo quy định. 

Khi lập báo cáo kết quả kiểm tra, báo cáo phải thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục V kèm theo Thông tư này và phải nêu rõ các vấn đề sau: Nội dung và kết quả kiểm tra; đề xuất những nội dung kiến nghị xử lý về kinh tế, hành chính, pháp luật (nếu có) với đối tượng kiểm tra;

Thời hạn 30 ngày ngay sau khi kết thúc kiểm tra, Đoàn kiểm tra phải xây dựng báo cáo kiểm tra gửi cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra để báo cáo cơ quan ra quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm tra xem xét, quyết định, chỉ đạo kịp thời các cơ quan chuyên môn, đơn vị thực hiện xử lý kiến nghị của đoàn kiểm tra theo thẩm quyền.

Trường hợp kiến nghị không thuộc thẩm quyền xử lý thì cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm tra báo cáo cơ quan ra quyết định kiểm tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Đối tượng kiểm tra có trách nhiệm thực hiện các kiến nghị của đoàn kiểm tra để kịp thời khắc phục các sai phạm (nếu có).

Chi tiết xem Thông tư tại đây./.

Phòng TC-KH huyện