Kết quả nổi bật sau 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/HU ngày 16/4/2021 của BTV Huyện ủy về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/HU ngày 16/4/2021 của BTV Huyện ủy về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện (viết tắt là Chỉ thị 07-CT/HU) với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng của các tầng lớp Nhân dân và sự chủ động nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và UBND các xã, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực.

Ý thức và trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân và chủ rừng từng bước được nâng lên; các vụ việc tranh chiếm đất lâm nghiệp giữa người dân và các công ty, lâm trường đã được tập trung chỉ đạo, xử lý; công tác phòng cháy chữa cháy rừng được quan tâm, chỉ đạo có hiệu quả; vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được kiềm chế, số vụ vi phạm giảm; năng suất rừng trồng tăng, chất lượng nguồn giống cây lâm nghiệp được tăng lên, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất rừng, chế biến lâm sản được mở rộng, diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ rừng bền vững tăng; độ che phủ rừng được giữ vững... (đến năm 2023 tổng diện tích rừng trên địa bàn huyện 15.449,9ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên: 801,5ha, còn lại là diện tích rừng trồng 14.648,4 ha, độ che phủ rừng đạt 43%) đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân. 

UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, luật lâm nghiệp và triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị số 07-CT/HU. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn (đặc biệt UBND 06 xã có diện tích rừng tự nhiên); phối hợp MTTQ, các ngành đoàn thể tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân biết để tổ chức thực hiện. Kết quả, đã ban hành 71 văn bản, tổ chức được 196 buổi tuyên truyền tại hội nghị, hội thảo, tập huấn, phát trên hệ thống truyền thanh huyện, xã, thôn, bản 1.350 lượt tin bài, đăng 32 tin bài, phóng sự về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống cháy rừng.

Rừng kinh tế tại xã Tam Tiến

Công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm do đó vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được kiểm soát. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã kiểm tra, giám sát, điều tra xác minh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động kinh doanh, chế biến lâm sản; kiểm tra, kiểm soát lâm sản, chống chặt phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Đã kiểm tra, phát hiện 40 vụ việc vi phạm về thủ tục hành chính trong vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản; đã xử lý 35 vụ, thu nộp ngân sách 193,33 triệu đồng. Chuyển Cơ quan CSĐT Công an huyện khởi tố 02 vụ án hình sự về tội “Hủy hoại rừng". Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ và được các cơ sở thực hiện đảm bảo theo quy định. Trên toàn huyện có 18 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã và trên 206 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản đang hoạt động. 

Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, UBND các xã trong quản lý, bảo vệ rừng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, UBND các xã tập trung thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ 801,5 ha diện tích rừng tự nhiên (chủ yếu là rừng chưa có trữ lượng hoặc rừng nghèo kiệt có trữ lượng thấp); thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên trái pháp luật, đã kịp thời phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý, kiểm điểm trách nhiệm 05 vụ phá rừng tự nhiên trái pháp luật. Duy trì tốt hoạt động Ban Chỉ huy bảo vệ rừng và PCCCR cấp huyện, giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo UBND 09 xã trọng điểm và hướng dẫn 07 chủ rừng lớn kiện toàn 16 Ban Chỉ huy, 65 tổ xung kích bảo vệ rừng và PCCCR. Thực hiện duy tu, sửa chữa 5km đường băng cản lửa; xây dựng mới và duy tu 290km đường lâm nghiệp kết hợp đường băng cản lửa; làm mới, sửa chữa và duy trì 105 bảng tin, biển báo... Tổ chức thành công diễn tập chữa cháy rừng cấp xã năm 2022 (tại xã Đồng Tiến, Tam Tiến).

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp kiểm tra, giám sát các dự án có sử dụng đất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng đến các chủ đầu tư, đơn vị và Nhân dân biết để thực hiện. Đến nay, trên địa bàn huyện có 18 dự án đã được HĐND tỉnh chấp thuận, UBND tỉnh phê duyệt với diện tích chuyển mục đích sử dụng là 90,24ha. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và chính quyền cơ sở kịp thời giải quyết tình trạng tranh chấp đất rừng giữa các hộ dân với công ty, lâm trường. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã tiến hành rà soát và lập phương án quản lý, sử dụng đối với 2.788,44ha đất do các công ty, lâm trường bàn giao về địa phương; tập trung giải quyết các vụ việc tranh chấp, đơn thư, khiếu kiện liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; nắm chắc tình hình tranh chấp đất rừng giữa người dân và các công ty, lâm trường; thực hiện việc thi hành các bản án về tranh chấp đất lâm nghiệp đã có hiệu lực pháp luật. Chỉ đạo các công ty, lâm trường chủ động phối hợp rà soát và cắm mốc ranh giới giữa khu vực rừng được giao, cho thuê với đất của người dân địa phương...

Chất lượng nguồn giống cây lâm nghiệp được nâng lên, công tác quản lý giống cây lâm nghiệp được thực hiện đúng quy định. Trên địa bàn huyện hiện có 86 cơ sở đăng ký sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp (gồm 6 doanh nghiệp và 80 hộ gia đình, cá nhân). Đến nay, các cơ sở đã sản xuất được 73,53 triệu cây giống. Công tác chấp hành các quy định của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp được các cơ sở đã chấp hành theo đúng quy định của Nhà nước. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện hỗ trợ 02 hộ nâng cấp vườn ươm theo Đề án “Phát triển huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang”. Toàn huyện trồng cây phân tán được 2.578,4 nghìn cây theo Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, trồng rừng tập trung 5.830,4ha, chăm sóc trên 13.800ha rừng, khai thác được 5.947ha, sản lượng đạt trên 533m3 gỗ các loại, diện tích rừng trồng đang phát triển thành rừng gỗ lớn trên 1.300ha. Tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hằng năm được trên 36 nghìn cây xanh các loại. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất rừng, chế biến lâm sản được mở rộng, diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ rừng bền vững tăng. Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn huyện là 5.707,5ha (Công ty TNHH HTV lâm nghiệp Yên Thế là 2.275,03ha, Nhóm hộ chứng chỉ rừng FSC là 3.432,47ha). Qua đó giúp thu nhập của người dân làm nghề rừng được nâng lên góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện.

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/HU ngày 16/4/2021 của BTV Huyện ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện, thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: 

Một là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; vận động Nhân dân thực hiện chăm sóc, phát triển, bảo vệ rừng, PCCCR, quản lý rừng bền vững; không mua, bán, chuyển nhượng đất rừng trái phép, không sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật, không lấn chiếm đất rừng; tố giác hành vi vi phạm đến các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Hai là, chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tập trung, thường xuyên bám sát tình hình, tăng cường kiểm tra, tuần rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp... điều tra, xác minh làm rõ các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Thực hiện tốt công tác quản lý giống cây lâm nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản, kiên quyết xử lý những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản không đủ điều kiện. Tập trung chỉ đạo thực hiện đảm bảo Kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán. Quản lý hiệu quả diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC trên địa bàn huyện.

Ba là, cấp ủy, UBND các xã, thị trấn tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị và chủ rừng để kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp; kịp thời nắm bắt ngăn chặn, phối hợp xử lý các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất rừng ngay từ khi mới phát sinh. Phối hợp làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao hoạt động của các tổ giám sát cộng đồng, tổ xử lý các vấn đề liên quan đến đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Bốn là, các công ty lâm nghiệp, lâm trường tăng cường công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao, cho thuê; giải quyết tốt các tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp; củng cố, kiện toàn lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đủ mạnh, đáp ứng được yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, đất rừng theo quy định. Chủ động phối hợp hoàn thiện hồ sơ chuyển từ giao đất sang cho thuê đất đối với những diện tích đủ điều kiện. Chủ động đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, phát triển rừng gỗ lớn, chăm sóc rừng theo hướng bền vững; duy trì và mở rộng diện tích được cấp chứng chỉ rừng bền vững./.

Nguyễn Văn Đông