Yên Thế làm tốt công tác quản lý và phát huy có hiệu qủa các DTLS văn hóa trên địa bàn huyện

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Năm 2023, trong bối cảnh với những thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, nhất là diễn biến khó lường của tình hình giá cả, thị trường, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thế giới biến động phức tạp, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tình trạng mất điện luân phiên... đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; song với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, kịp thời của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp do vậy tình hình kinh tế - xã hội của huyện Yên Thế có nhiều khởi sắc. 

Ngay từ đầu năm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế đã nỗ lực thi đua lao động, sản xuất phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; các phòng, ban, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao và tăng trưởng khá trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 9,23%, trong đó: Nông lâm nghiệp thủy sản tăng 4,96%, công nghiệp xây dựng tăng 15,57%, thương mại dịch vụ tăng 8,89%. Thực hiện hoàn thành và vượt 100% chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được HĐND huyện giao. 

Hội nghị tổng kết công tác lãnh đạo của Huyện ủy và các phong trào thi đua năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

Nhân dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các mô hình, Đề án phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 phát huy được hiệu quả; nông nghiệp phát triển ổn định, an ninh lương thực được đảm bảo; duy trì và phát triển vùng sản xuất vải, nhãn theo tiêu chuẩn VietGap; Tổng diện tích gieo trồng được 11.379ha/11.100ha, đạt 102,5% KH và bằng 100,03% so với năm 2022. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 102,68% KH; chè đạt 535ha đạt 100% KH. Sản phẩm gà đồi tiếp tục được nâng cao chất lượng và được người tiêu dùng quan tâm, tiêu thụ rộng rãi; các sản phẩm chế biến từ sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện được giới thiệu, tham gia gian hàng trên sàn thương mại điện tử; hoàn thành việc cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC trên địa bàn huyện tại 06 xã với diện tích trên 3.432ha, đạt 228% KH; tiếp tục duy trì vùng an toàn dịch bệnh động vật quy mô cấp huyện đối với bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn; đàn gia cầm duy trì 4,1 triệu con (trong đó đàn gà 3,85 triệu con); đàn gia súc lớn 10.150 con; đàn dê 9.700 con; đàn lợn 80.500 con. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được đẩy mạnh và đa dạng sản phẩm, phát triển mới 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, đạt 300% KH, nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên 33 sản phẩm. 

Tập trung triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình đều hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có 02 xã đạt chuẩn NTM đạt 100% KH, 06 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu đạt 150% KH.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên đà phục hồi; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tăng cường. Tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, vận động, thực hiện các biện pháp yêu cầu chấm dứt sản xuất vôi thủ công và tháo dỡ vỏ lò. Công tác thu hút đầu tư, phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp được thường xuyên quan tâm, qua đó giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động; thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 277.268 triệu đồng, đạt 116,63% dự toán tỉnh giao và 109,02% dự toán HĐND huyện quyết định và bằng 81,65% so với quyết toán năm 2022; tổng chi ngân sách đạt 166,48% dự toán tỉnh giao và đạt 162,84% dự toán HĐND huyện quyết định. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 2.249,26 tỷ đồng, đạt 150% kế hoạch.

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên môi trường tiếp tục được quan tâm; đã tích cực đẩy mạnh thực hiện chương trình thu gom, xử lý chất thải rắn ở nông thôn. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, không để phát sinh các điểm rác thải tồn lưu trên địa bàn. Tỷ lệ rác thải được thu gom đạt tỷ lệ 91,7% và tỷ lệ được xử lý đạt 91,6% đều vượt kế hoạch giao. UBND huyện tập trung chỉ đạo kiên quyết xử lý các vi phạm về đất đai theo Chỉ thị 19-CT/TU, đã xử lý dứt điểm 4.118/4.574 trường hợp, đạt 90,1%. Tập trung cao lãnh đạo công tác GPMB các dự án trên địa bàn huyện; đến nay, cơ bản công tác bồi thường, tiến độ GPMB các công trình, dự án đảm bảo kế hoạch đề ra. Chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung cao cho công tác giải ngân, đặc biệt là giải ngân vốn chuyển nguồn năm 2022; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phân bổ chi tiết cho từng dự án đối với nguồn vốn chưa phân bổ, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Lĩnh vực giáo dục có nhiều tiến bộ rõ rệt; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 100%, tỷ lệ học sinh giỏi nâng lên, đánh giá 17/19 tiêu chí xuất sắc (03 cấp học MN, TH, THCS đều được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ), xếp thứ 3/10 huyện/thành phố. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện chu đáo; giải quyết các chính sách ưu đãi người có công, chế độ trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo được quan tâm; số lao động được tạo việc làm mới 2.096 người đạt 105% kế hoạch HĐND huyện giao, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 24%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,83%. Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, kết quả có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 9,99% giảm 0,81% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những sự kiện chính trị quan trọng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện và các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước. Tập trung tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; công tác phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm; công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; công tác chuyển đổi số, cài đặt định danh điện tử, an toàn giao thông.... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được quan tâm thực hiện (tỷ lệ thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh đạt 100%). Hiện nay, toàn huyện có 26.472/30.237 gia đình đạt gia đình văn hóa (đạt 87,5%, tăng 0,3% so với năm 2022), 161/197 thôn, bản, tổ dân phố đạt văn hóa (đạt 81,7%, bằng năm 2022), 02/02 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, 149/154 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 96,7%, tăng 10,7% so với năm 2022).

Công tác cải cách, kiểm soát TTHC, hoạt động của bộ phận “Một cửa” cấp huyện, cấp xã tiếp tục có chuyển biến tích cực, xếp thứ 4/10 huyện, thành phố. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được nâng lên, hoạt động của chính quyền cơ sở cơ bản đáp ứng được yêu cầu, 15/19 xã, thị trấn đạt chuẩn "Chính quyền thân thiện" đạt 260% KH giao; hoàn thành 100% các nhiệm vụ trọng tâm của Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện (8/8 nhiệm vụ), của Chủ tịch UBND huyện (6/6 nhiệm vụ). Xây dựng và ban hành phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030. 

Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân được được tập trung chỉ đạo, trong đó tập trung xem xét, giải quyết các đơn thư phức tạp, kéo dài, tỷ lệ giải quyết đạt 100%. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm, đã tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương số tiền 10.658 triệu đồng. Công tác đảm bảo an ninh trật tự có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Triển khai Đề án 06 được tỉnh đánh giá, xếp loại đứng tốp đầu 10 huyện, thành phố (về cấp CCCD và định danh điện tử). Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hoàn thành 100% chỉ tiêu, đảm bảo an toàn, công khai, công bằng, đúng luật; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập động viên; tổ chức thành công kế hoạch diễn tập chiến đấu phòng thủ và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cấp xã. An ninh chính trị, TTATXH được giữ vững, trên địa bàn không có điểm nóng về an ninh trật tự.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH của huyện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng nhưng chậm, vẫn còn thấp hơn mức tăng bình quân chung của tỉnh; thu ngân sách tuy đã vượt chỉ tiêu nhưng vẫn còn đạt tỷ lệ thấp so với cùng kỳ năm 2022; công tác bồi thường, GPMB tại các dự án, công trình còn hạn chế. Tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm còn chưa đạt tiến độ đề ra; tình hình trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích còn xảy ra ở một số xã, thị trấn....

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2024: Phấn đấu thực hiện đạt 16 chỉ tiêu đề ra, tốc độ tăng giá trị sản xuất dự kiến 9,5%; thu ngân sách trên địa bàn 247 tỷ đồng; tỷ lệ dân số tham gia BHYT 99,8%; giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1,93%; tỷ lệ che phủ rừng đạt >40%... Đảng bộ và chính quyền huyện Yên Thế tập trung, tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, bám sát quan điểm phát triển theo nghị quyết của Chính phủ, của tỉnh và huyện, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hệ thống chính trị; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường. Tiếp tục tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu xã Đồng Hưu và Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. 

Hai là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bố trí nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục kêu gọi nghiên cứu đầu tư các dự án. Trong đó, chú trọng xúc tiến đầu tư các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục xúc tiến đầu tư.

Bốn là, thực hiện tốt các lĩnh vực văn hoá - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng Đền thờ Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân, phấn đấu khánh thành đưa vào sử dụng, tổ chức thành công Lễ hội kỷ niệm 140 năm Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực thi đạo đức công vụ ở các cấp, các ngành. Thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở theo tiêu chí “Chính quyền thân thiện” tại các xã, thị trấn. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện việc sáp nhập các xã theo lộ trình quy định.

Sáu là, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu giảm tỷ lệ tội phạm, tai nạn giao thông năm 2024. Phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân; thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2024./.

Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện