Tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Yên Thế năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 và những năm tiếp theo

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể đối với phát triển kinh tế xã hội nói chung trên địa bàn. Trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã quan tâm thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, qua đó đã đạt được những kết quả quan trọng:

Về Tổ hợp tác (THT): Hiện nay, trên địa bàn huyện có 25 tổ hợp tác có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền, toàn bộ đều là các THT hoạt động lĩnh vực nông - lâm nghiệp với tổng số có 360 thành viên tham gia. Các THT dùng nước được thành lập tại các xã, thị trấn có từ 3 đến 16 thành viên/THT làm nhiệm vụ khai thác, sử dụng, quản lý, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình thủy lợi, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Các THT trồng trọt, chăn nuôi được thành lập trên cơ sở các nhóm sở thích trồng trọt, chăn nuôi trên cùng địa bàn (quy mô thôn, bản hoặc xã), cùng hợp tác để thuận lợi trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, còn có các hình thức hợp tác đơn giản giữa các hộ gia đình trong nông thôn nhằm mục đích giúp đỡ nhau về kinh nghiệm sản xuất, thu hoạch mùa vụ, kinh doanh, dịch vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nguồn vốn vay, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo cho các tổ viên; tổ chăn nuôi, tổ vay vốn, tổ nghề nghiệp,...

Về Hợp tác xã (HTX): Năm 2023, huyện Yên Thế đã phát triển thành lập mới 03 hợp tác xã (HTX chăn nuôi gà Yên Thế; HTX quả sim nếp; HTX du lịch và dịch vụ Làng Xuân Lung), nâng tổng số HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 hiện nay là 41 HTX với số vốn điều lệ 137.198 triệu đồng và số thành viên góp vốn là 379 người, trong đó có 31 HTX nông, lâm nghiệp (chiếm 75,6%), 10 HTX phi nông nghiệp (chiếm 24,4%, đối với lĩnh vực phi nông nghiệp có 05 HTX tiểu thủ công nghiệp, 01 HTX thương mại và dịch vụ, 01 HTX giao thông vận tải, 01 HTX dịch vụ điện và 02 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực môi trường). Ngoài ra, từ đầu năm trên địa bàn huyện còn phát triển thêm 02 chi nhánh HTX (Chi nhánh HTX đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ Hải An tại Yên Thế, Bắc Giang; Chi nhánh HTX Nông nghiệp sạch Phát Huy). Các HTX cơ bản có quy mô thôn, bản hoặc liên kết giữa các thành viên là những người cư trú trên địa bàn các xã khác nhau; có từ 07 đến 20 thành viên; Riêng HTX giao thông vận tải Yên Thế có trên 40 thành viên tham gia hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, trong đó bộ máy quản lý của HTX phổ biến từ 5-7 người. Các HTX hoạt động hiệu quả đã có đóng góp tích cực trong việc giải quyết việc làm, đem lại lợi ích cho thành viên như: Tăng thu nhập, tạo việc làm, cung cấp các hoạt động phúc lợi cho thành viên… đồng thời, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước; số thuế các HTX nộp ngân sách năm 2023 là 7,4 tỷ đồng; một số HTX có số nộp ngân sách cao như: HTX Thịnh Lâm Phát, HTX chế biến vôi Ngân Hồng, HTX Thái Bình, HTX SX và TM Phú An, HTX Thân Trường…

Một số HTX hoạt động theo mô hình liên kết (vừa hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào để sản xuất, vừa hợp đồng tiêu thụ sản phẩm), tham gia có hiệu quả vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), 13/14 chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP huyện là các HTX (HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế; HTX Thân Trường; HTX Nông nghiệp Mộc Sơn; HTX SXKD và DVNN Thiên Phú;  HTX Nông nghiệp Quang Duy; HTX Dược liệu Thiện Tâm; HTX Tâm Việt Dũng; HTX Hằng Anh; HTX Nông nghiệp Hạ Sơn; HTX Hào An; HTX Cường Nhung; HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Cao Lan), với 28/33 sản phẩm như: gà, chè, các loại cây dược liệu... Tiêu biểu như: HTX nông nghiệp “Xanh” Yên Thế có 04 sản phẩm đạt 4 sao đối với sản phẩm từ gà; HTX Thân Trường có 02 sản phẩm đạt 3 sao (Du lịch sinh thái - Văn hóa Bản Ven và Chè xanh Bản Ven); HTX Dược liệu Thiện Tâm và HTX Tâm Việt Dũng có 04 sản phẩm đạt 3 sao… qua đó góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; các HTX đã tham gia vào hoạt động hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, một số HTX đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đóng góp một phần thu nhập ủng hộ và giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.

Có thể nói, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có sự tập trung cao trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT); mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và cơ quan chuyên môn đã phát huy được vai trò, chức năng của mình tập trung, định hướng phát triển thúc đẩy tăng số lượng HTX trên địa bàn. Đặc biệt có sự chuyển dịch từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp (hoạt động vận tải, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, môi trường và thương mại, dịch vụ). Các tổ chức KTTT đã ảnh hưởng sâu rộng tới mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của huyện Yên Thế.

Tập huấn chuyển đổi số cho các DN và HTX trên địa bàn huyện năm 2023

Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực KTTT, HTX trên địa bàn huyện còn một số những khó khăn, hạn chế: Các HTX cơ bản chưa có trụ sở riêng, phần lớn thuê hoặc mượn địa điểm nhà của Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị để làm trụ sở HTX nên việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi còn gặp nhiều khó khăn. Một số HTX chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của HTX với cơ quan đăng ký HTX theo quy định; công tác giải quyết dứt điểm một số HTX hoạt động không hiệu quả còn nhiều bất cập.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước khắc phục hạn chế trong lĩnh vực phát triển KTTT trên địa bàn, UBND huyện đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và những năm tiếp theo, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật HTX năm 2012 và các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển KTTT. Đề nghị MTTQ và các tổ chức thành viên tích cực tham gia công tác tuyên truyền, động viên, tư vấn để các thành viên, hội viên tham gia HTX; tham gia giám sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển HTX.

Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển KTTT, HTX theo chương trình hỗ trợ đã được Trung ương, tỉnh phê duyệt; nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX. Ngoài ra, duy trì dành một phần kinh phí ngân sách huyện hỗ trợ mức 30 triệu đồng/HTX sau 01 năm thành lập mới và hoạt động có hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của HTX; tạo điều kiện để các HTX phát triển ý tưởng sản phẩm nhằm tham gia có hiệu quả vào chương trình OCOP. Khuyến khích, hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực tổ chức, điều hành theo hướng cơ cấu bộ máy quản lý gọn, linh hoạt và năng động; mở rộng ngành, nghề kinh doanh. Tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thực hiện chuyển đổi số đối với khu vực KTTT, HTX, tăng cường ứng dụng công nghệ cao theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, truy vết sản phẩm trong nền kinh tế tuần hoàn gắn với thương mại điện tử.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT; duy trì nền nếp hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển KTTT huyện. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTTT. Bố trí, kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trình độ, tâm huyết tại các cơ quan quản lý nhà nước đối với KTTT. Làm tốt công tác định hướng, tư vấn, hướng dẫn xây dựng phương án, điều lệ sản xuất kinh doanh cho các sáng lập viên, thành viên HTX ngay từ trước khi tổ chức đăng ký hợp tác xã để Phương án, điều lệ được thông qua đảm bảo đúng quy định của pháp luật, có tính khả thi cao nhất. Tiếp tục chấn chỉnh các HTX thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo và thực hiện phân loại, đánh giá HTX theo quy định. Tập trung hướng dẫn xử lý HTX hoạt động không hiệu quả, khó khăn trong giải thể theo Luật HTX năm 2012.

Thứ tư, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả hoạt động của khu vực KTTT trên địa bàn huyện. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến về phát triển KTTT; nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, tôn vinh các cá nhân, HTX có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Thứ năm, huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia thúc đẩy phát triển KTTT. Thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KTTT với các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại huyện. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động liên kết giữa các HTX và giữa HTX với doanh nghiệp nhằm tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Huy động các nguồn lực của huyện tham gia hỗ trợ phát triển KTTT./.

Nguyễn Đức Dương - HUV, Trưởng Phòng TC-KH huyện