Tăng trưởng kinh tế - Bắc Giang đứng đầu, Bắc Ninh đội sổ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Bắc Ninh và Bắc Giang được biết đến là hai địa phương "thay da đổi thịt" nhờ trở thành cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn công nghiệp, điện tử lớn trên thế giới. Tuy vậy, bức tranh tăng trưởng kinh tế của của 2 địa phương trong năm 2023 hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Bắc Giang đứng đầu thì Bắc Ninh lại bất ngờ đội sổ.

Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh vừa công bố số liệu kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh năm 2023. Theo đó, GRDP của Bắc Ninh (theo giá so sánh năm 2010) vẫn giảm 9,28% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm nhiều nhất từ trước đến nay và Bắc Ninh cũng là tỉnh có mức giảm sâu nhất trong 63 tỉnh, thành phố. Còn tại tỉnh hàng xóm Bắc Giang, năm nay tăng trưởng kinh tế đạt 13,45%, đứng đầu cả nước.

Là 2 địa phương có điểm chung là thế mạnh phát triển công nghiệp, hút vốn FDI, bức tranh kinh tế trái ngược năm 2023 của 2 địa phương này được chuyên gia kinh tế đánh giá là khá bất thường, cần có sự mổ sẻ nguyên nhân.

Theo Tổng cục Thống kê, một số tỉnh năm 2023 có tăng trưởng cao như Bắc Giang, Quảng Ninh. Các tỉnh này đang phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, có một số ngành hàng mới, một số doanh nghiệp mới...

Đối với Bắc Ninh, sụt giảm kinh tế được xác định chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm rất mạnh (khoảng gần 14%), tập trung chính ở ngành điện tử. Bởi trong cơ cấu kinh tế của Bắc Ninh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng gần 70%. Đáng nói hơn, theo tìm hiểu, trong ngành điện tử của Bắc Ninh, hoạt động của Samsung đóng vai trò chủ đạo, then chốt. Trong khi đó, năm 2023, giá trị xuất khẩu của Samsung Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với 2 năm trước đó.

Nhìn lại năm 2023, bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - cho rằng, thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng đã bộc lộ những khó khăn, tồn tại, hạn chế.

“Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP giảm 9,28%; tính bình quân 3 năm 2021-2023 chỉ đạt tăng trưởng GRDP 0,4%, nguy cơ không đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm đề ra…” - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Lý giải nguyên nhân chủ quan khiến kinh tế tăng trưởng âm sâu, theo UBND tỉnh Bắc Ninh, công tác nắm bắt, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát.

Đặc biệt, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng nêu rõ, công tác phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, chất lượng thấp. Một số cơ quan, đơn vị, cán bộ có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, giải quyết kéo dài thời gian. Có sự thiếu chủ động trong tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển... Đáng chú ý, việc phân cấp, phân quyền ở một số lĩnh vực cũng chưa triệt để, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Lao Động, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để Bắc Giang liên tục tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ trước và 3 năm trong nhiệm kỳ này đó là phát huy nội lực của con người, đặc biệt là cán bộ.

Theo đó, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị 26 về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. "Đây là cú hích rất là mạnh để cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh" - ông Mai Sơn nói.

Từ câu chuyện tăng trưởng của Bắc Ninh, Tổng cục Thống kê khuyến cáo, trong thu hút FDI, các tỉnh, thành phố phải thu hút nhiều ngành, lĩnh vực; không nên tập trung vào một số ngành, để tình trạng một số ngành chiếm cơ cấu rất lớn, quá phụ thuộc sẽ dễ dẫn tới rủi ro. Bởi khi một ngành có tỉ trọng cao bị ảnh hưởng sẽ kéo theo tăng trưởng của tỉnh, sau đó là tới đời sống kinh tế, dịch vụ liên quan./.

Theo laodong.vn