Sản xuất gỗ bóc ở xã Đông Sơn tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Đông Sơn là xã miền núi, nằm ở phía Đông của huyện Yên Thế, toàn xã hiện có trên 1.269 ha đất lâm nghiệp, chiếm 46,8% tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã, hầu hết diện tích đất lâm nghiệp trên được tập trung cho phát triển rừng kinh tế, mỗi năm cho khai thác hàng nghìn mét khối gỗ. Từ tiềm năng đó, xã Đông Sơn đã nhanh chóng  hình thành lên nhiều cơ sở sản xuất ván bóc, ván ép, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động ở địa phương.

Anh Lê Văn Hoan, thôn Gia Bình, xã Đông Sơn

Với hơn 1.269 ha đất lâm nghiệm, trong đó diện tích có rừng chiếm tới gần 1.200 ha. Trong phát triển lâm nghiệp người dân chủ yếu khai thác, bán gỗ rừng trồng. Tuy nhiên, trước đây, hầu hết người dân ở đây bán gỗ chưa qua chế biến (chủ yếu là trụ mỏ) cho các thương lái, vì vậy, hiệu quả kinh tế chưa cao, thậm chí nhiều khi còn không bán được.

Thấy được sự hạn chế đó, cuối năm 2008, anh Lê Văn Hoan ở thôn Gia Bình đã quyết định về Hà Nội tìm hiểu công việc bóc gỗ, rồi tiếp tục sang Trung Quốc tìm mua máy bóc. Bằng sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết với ngành lâm nghiệp, năm 2009 anh đã mua được một dây chuyền bóc gỗ cũ từ Trung Quốc mang về lắp đặt tại nhà để sản xuất gỗ bóc. Tuy máy đã cũ, lại là một trong những người tiên phong trên địa bàn tỉnh Bắc Giang mở cơ sở bóc ván, kinh nghiệm chưa có, đầu ra chưa phổ biến, song ngay sau khi có được sản phẩm ván bóc đã cho thấy hiệu quả gấp 2 đến 3 lần so với bán gỗ thông thường. Rõ về hiệu quả, có về kinh nghiệm, anh Hoan tiếp tục đầu tư thêm hệ thống máy móc, đồng thời cũng chia sẻ với nhiều người cùng sở thích trên địa bàn xã Đông Sơn để cùng phát triển nghề bóc gỗ. Cũng từ đó đến nay, hệ thống các cơ sở bóc gỗ trên địa bàn xã Đồng Sơn được phát triển nhanh chóng. Theo thống kê, hiện toàn xã Đông Sơn đã có gần 80 cơ sở bóc gỗ, sản xuất ván ép, chiếm tới 2/3 tổng số cơ sở bóc gỗ và sản xuất ván ép trên địa bàn huyện, trong đó nhiều cơ sở được đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại lên đến vài trăm tỷ đồng.

Xưởng bóc gỗ trên địa bàn xã Đông Sơn

Tiêu biểu trong số đó là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phú Cầu ở thôn Bến Trăm. Mặc dù mới được thành lập từ năm 2017, song bằng nhiều hệ thống dây truyền sản xuất hiện đại từ khâu boc gỗ đến ép ván xuất khẩu, trung bình mỗi năm Công ty đã sản xuất và xuất khẩu được trên 30 nghìn mét khối ván ép, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Điều đáng mừng là từ khi thành lập đến nay, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phú Cầu luôn tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng, cá biệt nhiều lao động đã đạt 15 triệu đồng/thang. Thậm chí ở thời điểm khó khăn do dịch bệnh Covid–19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công ty. Nhưng bằng sự nỗ lực, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, như tiết giảm chi phí sản xuất, tổ chức, bố trí lại sản xuất theo dây chuyền và đặc biệt với hệ thống công nghệ mới, hiện đại đã giúp công ty ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động, doanh thu vẫn có mức tăng trưởng khá.

Chị Đặng Thị Thủy là người địa phương đã làm công nhân ở đây được 6 năm, nhưng chưa khi nào phải nghỉ, ngay cả khi dịch bệnh covid – 19 bùng phát mạnh ở nhiều nơi, do vậy thu nhập của chi luôn khá ổn định, với mức bình quân 10 triệu đồng/tháng. Nhờ đó mà cuộc sống của gia đình chị đã ngày một khá hơn, chị phấn cho biết “Tôi đã làm việc ở đây ngay từ khi công ty Phú Cầu mới thành lập và đi vào sản xuất gỗ bóc, nếu đi làm đủ 30 ngày trong tháng thì có mức thu nhập 10 triệu đồng, ngoài ra công ty còn hỗ trợ tiền ăn ca, có các phần quà trong dịp tết, tiền thưởng”

Không chỉ tạo việc làm ổn định, duy trì, đảm bảo việc chi trả lương cho người lao động một cách kịp thời. Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phú Cầu còn luôn thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách liên quan đến người lao động; vào các dịp lễ tết đều có quà cho công nhân, động viên kịp thời đối với những công nhân gặp khó khăn, qua đó đã giúp người lao động luôn yên tâm gắn bó với công việc tại công ty.

Anh Nghiêm Xuân Đoàn – Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phú Cầu cho biết: “Công ty luôn xác định để mở rộng sản xuất được, ngoài đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, cơ chế thị trường thì một yếu tố rất quan trọng đó là chế độ trả lương cho công nhân phải thỏa đáng cùng với đó công ty còn tạo thêm nhiều cơ chế hỗ trợ để giữ chân người lao động. Chính vì vậy mà trong tổng số gần 200 công nhân đang làm việc ở công ty, có tới 107 công nhân đã gắn bó với công ty từ những ngày thành lập đến nay”.

Theo đồng chí  Lưu Cẩm Tiên – Phó Chủ tịch UBND Đông Sơn được biết: các xưởng sản xuất gỗ bóc, ván ép đã và đang góp phần tích cực trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã, đem lại nguồn thu nhập cao, không chỉ đối với các hộ kinh doanh mà còn đối với các lao động địa phương. Hiện toàn xã Đông Sơn có tổng số 4.591 người trong độ tuổi lao động thì có tới gần 2.000 lao động đang làm việc tại các cơ sở bóc gỗ, vấn ép ngay trên địa bàn xã, chiếm trên 43%.  

Có thể thấy, sự đầu tư phát triên chế biến gỗ của các cơ sở, công ty bóc, ép gỗ trên trên địa bàn xã Đông Sơn không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm từ rừng, mà còn đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương chung của địa phương, đó là tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, đưa xã Đông Sơn đạt chuẩn NTM mới năm 2023.Và theo đanh giá, thẩm định của Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Bắc Giang (đánh giá thẩm định ngày 21/11/2023), đến xã Đông Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được 100% các ngành thành viên trong đoàn thẩm định của tỉnh đánh giá cao và nhất chí đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận xã Đông Sơn, huyện Yên Thế đạt chuẩn NTM năm 2023./. 

                                                             Trung Hiếu