Một số điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền kỷ niệm 140 năm khởi nghĩa Yên Thế

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Nhân kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1984), UBND tỉnh Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Giang) đã tiến hành tu sửa, tôn tạo và quyết định tổ chức Lễ hội tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám thuộc trung tâm huyện Yên Thế, nhằm phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống thượng võ của ông cha ta; đồng thời khơi dậy những sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng. Từ đó đến nay, ngày 16 tháng 3 dương lịch hằng năm đã trở thành ngày Lễ hội truyền thống lịch sử của huyện Yên Thế. 

Lễ hội Yên Thế không chỉ là dịp để giao lưu, học hỏi và cổ vũ các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện hăng hái thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống trên quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc mà thông qua Lễ hội còn giúp tuyên truyền, quảng bá các giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, tiềm năng du lịch của huyện và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về Lễ hội, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 96-KH/HU ngày 28/12/2022 về tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 03 năm 2023-2025; Kế hoạch số 159-KH/HU ngày 16/01/2024 tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024. Đồng thời, ban hành Hướng dẫn số 51-HD/BTGHU, ngày 07/02/2024 để hướng dẫn công tác tuyên truyền Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế.  

Trên cơ sở kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện, các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội huyện đã chỉ đạo tuyên truyền, tổ chức các hoạt động chào mừng Lễ hội bảo đảm đúng định hướng, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó nổi bật là sự kết hợp giữa công tác thông tin, tuyên truyền theo hình thức truyền thống với việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại như: Tuyên truyền thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, qua các hội nghị sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức chính trị-xã hội; tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, bản, phố; tuyên truyền trên báo chí, internet, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, hệ thống phát thanh của tỉnh, huyện và cơ sở, cổ động trực quan, panô, áp phích, khẩu hiệu, gửi tin nhắn... Lồng ghép với việc tuyên truyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các sự kiện chính trị của đất nước, của huyện... Qua đó tạo không khí phấn khởi, góp phần thúc đẩy các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã chủ động tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương về nội dung, chương trình Lễ hội, diễn biến và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Yên Thế qua các thời kỳ cách mạng… Biên tập 02 bài viết đăng trên cuốn Thông tin Lý luận & Thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang. Chỉ đạo biên tập và phát hành Bản tin sinh hoạt chi bộ (Số đặc biệt) với 600 cuốn để phục vụ sinh hoạt chi bộ thường kỳ tháng 3/2024. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn làm việc với Báo Bắc Giang, Đài PT-TH tỉnh Bắc Giang, kênh VTC10 và một số cơ quan thông tin, báo chí khác để xây dựng phóng sự, video, bài viết tuyên truyền về cuộc khởi nghĩa Yên Thế và Lễ hội Yên Thế năm 2024.

Ngoài việc tuyên truyền trên Cuốn Bản tin sinh hoạt chi bộ, qua hội nghị báo cáo viên; để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã phối hợp với các cơ quan liên quan biên tập gắn mã QR thông tin về Kế hoạch tổ chức Lễ hội Yên Thế năm 2024 và Lễ hội Yên Thế - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những điểm khởi nghĩa Yên Thế, địa điểm du lịch và địa danh trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Khối Tư tưởng-Văn hóa của huyện, Tổ cộng tác viên BCĐ 35 từ huyện đến cơ sở tăng cường lan tỏa, chia sẻ các tuyến tin, bài viết, hình ảnh, video… về Lễ hội Yên Thế, về truyền thống lịch sử, văn hóa, những giá trị đặc biệt của vùng đất, con người, thành tựu kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của huyện Yên Thế. Tính đến ngày 20/3/2024, BCĐ 35 các cấp và các Tổ cộng tác đã viết, đăng tải, chia sẻ 5.060 lượt tin, bài viết, hình ảnh, video… với hàng trăm triệu lượt theo dõi và tương tác. Đồng thời chỉ đạo tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thường xuyên tuyên truyền, nắm tình hình, định hướng DLXH trước, trong và sau Lễ hội. Kết quả, trên địa bàn huyện không phát hiện các kênh thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc về Lễ hội.

Phối hợp với Huyện đoàn thanh niên xây dựng 01 trailer quảng bá về Lễ hội Yên Thế, 01 video clip giới thiệu về Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám để tuyên truyền quảng bá trên trang fanpage, facebook của Huyện đoàn và các nền tảng mạng xã hội. Cổng thông tin điện tử huyện và các xã thị trấn tăng cường đăng tải các tin, bài, video, clip phóng sự… về cuộc khởi nghĩa Yên Thế… Mở 01 chuyên mục riêng về Lễ hội Yên Thế và paner tuyên truyền về Lễ hội Yên Thế với gần 30 tin/bài. Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao mở chuyên mục "Kỷ niệm 140 năm khởi nghĩa Yên Thế"; thực hiện chiếu phim "Thủ lĩnh áo nâu"; thực hiện các chương trình truyền thanh, truyền hình để tuyên truyền, phản ánh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng Lễ hội; phối hợp với Báo Bắc Giang, Đài PT - TH tỉnh, các cơ quan báo chí Trung ương quảng bá hình ảnh về Yên Thế, phản ánh các hoạt động trước, trong và sau Lễ hội… Đã thực hiện 52 lượt chuyên mục với tổng số 260 lượt tin, bài phát thanh; 40 tin truyền hình và 17 video clip tuyên truyền về Khởi nghĩa Yên Thế đăng tải trên Cổng TTĐT huyện (trong đó có 02 Video clip ghi lại toàn bộ Lễ tế và Lễ Khai mạc Lễ hội); thực hiện truyền thanh trực tiếp toàn bộ Lễ khai mạc đến đài cơ sở. Đồng thời tiến hành rà soát, thay thế, sửa chữa, chỉnh trang toàn bộ các cơ sở vật chất phục vụ cho Lễ hội; có phương án tăng cường trạm phát sóng lưu động của các mạng Viettel, Vinaphone trong những ngày diễn ra Lễ hội, đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt; tăng cường công tác tuyên truyền trực quan bằng băng zôn vượt đường, pano, phướn, cờ hội,... và tuyên truyền bằng xe thông tin lưu động, vận động nhân dân trong khu vực Lễ hội tổ chức treo cờ Tổ quốc trước, trong và sau Lễ hội. Đã phối hợp bọc và dựng 38 panô khổ lớn tại các khu vực trung tâm huyện và Khu di tích di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám; treo 125 băng zôn, 30 cờ dây tại các trục đường chính thị trấn Phồn Xương và các xã/thị trấn; cắm 200 cờ hồng, đuôi cá, 200 cờ hội …

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức đã tạo không khí khấn khởi, vui tươi trong nhân dân, các giải thể thao như bóng đá nam, bóng đá nữ đã thu hút hàng nghìn người theo dõi trực tiếp cũng như trên các nền tảng mạng xã hội; giải bóng chuyền hơi được tổ chức trên cơ sở các giải đấu loại giữa các xã, thị trấn đã khơi dậy tinh thần thể thao đến tận các thôn, bản, phố trên địa bàn… Lễ hội Yên Thế diễn ra trong 3 ngày từ 15 đến 17/3 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: 11 giải thể thao (bóng đá nam, bóng chuyền hơi trung - cao tuổi, bóng đá nữ, đẩy gậy, chạy việt dã, bắn nỏ, kéo co, cờ tướng, cờ người, cầu lông, tennis); 3 hoạt động văn nghệ (Liên hoan dân vũ - khiêu vũ, hát quan họ trên thuyền, biểu diễn nghệ thuật múa rối nước); 6 hoạt động khác (Hội trại thanh niên, trưng bày sinh vật cảnh, hội chợ thương mại, mở cửa nhà trưng bày và các di tích đón khách thăm quan, trò chơi dân gian, chọi dê). Đặc biệt, Lễ hội năm 2024 có một số hoạt động mới so với những năm trước như: Trưng bày hiện vật, tài liệu về Khởi nghĩa Yên Thế với 180 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về cuộc khởi nghĩa Yên Thế được trưng bày; Giải Vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia, có hơn 100 vận động viên (VĐV) thi đấu ở các hạng cân khác nhau đến từ 12 đơn vị (Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Nam, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng); phần biểu diễn của gần 1 nghìn nghệ sĩ, chiến sĩ Nhà hát ca múa nhạc Công an nhân dân (CAND), dàn nhạc kèn và đoàn nghi lễ CAND, Đội Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an)…

Để công tác tuyên truyền nói chung và công tác tuyên truyền về Lễ hội Yên Thế nói riêng, trong thời gian tới tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tuyên truyền kỷ niệm, bảo đảm kịp thời, đúng định hướng chính trị, tư tưởng.

Hai là, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp, thiết thực và tương xứng với ý nghĩa lịch sử của từng sự kiện, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, gắn với tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền cần triển khai trên tất cả các “mặt trận”, kênh thông tin, bằng tất cả các phương thức. Kết hợp các kênh tuyên truyền truyền thống và hiện đại, phát huy các kênh tuyên truyền qua internet, mạng xã hội; huy động sự tham gia của từng cá nhân đảng viên và mỗi người dân.

Ba là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ, tâm huyết làm công tác tuyên truyền. Phát huy vai trò của các đồng chí lão thành cách mạng, hưu trí, người có uy tín...

Bốn là, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm; tăng cường quan tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ở các khu vực, địa bàn vùng cao, vùng xa; chú trọng tuyên truyền cho thế hệ trẻ.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng trong triển khai các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm. Chủ động tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; ngăn chặn, xử lý việc phát tán thông tin xấu độc, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Với tinh thần khẩn trương, tích cực, trách nhiệm, đồng sức, đồng lòng của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế đã diễn ra thành công, an toàn, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Nội dung của phần nghi lễ được tổ chức trang trọng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú, hấp dẫn, mang đặc trưng của địa phương, có những đổi mới, ấn tượng, tạo không khí phấn khởi, vui tươi trong các tầng lớp nhân dân và có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành động lực cổ vũ, phát huy truyền thống anh hùng của nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, quảng bá, phát triển du lịch huyện Yên Thế, góp phần tạo nên động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Yên Thế giàu mạnh, văn minh./.

Đinh Công Hưng